-
- Tổng tiền thanh toán:
Xe đạp cùng đường sắt đô thị là giải pháp hàng đầu cho giao thông văn minh
Sau những ngày trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dường như chiếc xe đạp đã xuất hiện rất nhiều. Đây hẳn là "người bạn đồng hành" phù hợp nếu muốn giao thông văn minh, xanh, sạch.
Tác giả: Nguyễn Nhung Ngày đăng: 15/11/2021
Trong dòng người trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mấy ngày qua, không hiếm gặp những người “vác” cả xe đạp lên tàu điện. Tất nhiên là những chiếc xe đạp hiện đại, được gấp gọn gàng.
Chị Minh Hoà - một cư dân sống ở Hà Đông - nói: “Từ chỗ tôi ở đến ga Văn Quán chừng 2km, chỗ tôi làm việc cách ga Cát Linh khoảng 1,5km. Bình thường mỗi lần đi làm hoặc trở về bằng xe máy là một cực hình đối với tôi.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một lựa chọn mới nhưng có lẽ chưa đủ bởi tôi không thể đi bộ từ nhà đến ga và từ ga cuối đến chỗ làm mỗi ngày, rồi lặp lại khi trở về. Sẽ là hoàn hảo khi ga Văn Quán có chỗ gửi xe đạp và ga Cát Linh có chỗ thuê xe đạp giá rẻ. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, ga Văn Quán không có chỗ gửi xe máy hay xe đạp. Vì vậy tôi vẫn còn phải cân nhắc. Tôi tin, nếu có chỗ gửi xe hay thuê xe hợp lý, đa số người dân sẽ kết hợp đi xe đạp và đường sắt cho tuyến đường đi làm mỗi ngày”.
Chị Hoà tính toán, nếu gửi xe 5.000 đồng/ngày, thuê xe 10.000 đồng/ngày cộng với giá vé tháng 200.000 đồng thì cả tháng chi phí chỉ khoảng 560.000 đồng. “Số tiền ấy cũng chỉ hơn tiền đổ xăng xe máy hằng tháng một chút, bù lại không bị tắc đường, không bị ảnh hưởng sửa khoẻ bởi khói bụi. Điều đó giá trọ hơn rất nhiều”.
Trong khi đó, anh Thạch Long - một người có thời gian học tập và sinh sống ở Nhật Bản khá lâu, nhận xét: “Xe đạp và đạp xe cũng là những thứ thân thuộc như hơi thở trong xã hội Nhật Bản. Dân số Nhật Bản là 120 triệu người mà đang sở hữu tận hơn 80 triệu chiếc xe đạp. Bản thân tôi đi làm, đi chơi, đi phượt, đi siêu thị, đi shopping bên Nhật cũng đều bằng xe đạp.
Người dân phải mang xe đạp lên tàu điện Cát Linh - Hà Đông
Khi về Việt Nam tôi cũng thấy người dân sử dụng xe đạp khá nhiều. Tuy nhiên xe đạp ở Nhật được sử dụng hằng ngày, là phương tiện chính thức còn ở Hà Nội, số đông vẫn chỉ coi là phương tiện để giải trí, tập thể dục. Hơn nữa tại tất cả các ga tàu đều có chỗ gửi hoặc thuê xe đạp với giá rất rẻ. Tôi thấy Hà Nội hình như chưa tính toán đến phương án này khi đưa vào vận hành Cát Linh - Hà Đông hay sắp tới là metro Nhổn - Cát Linh”.
Xe đạp đã từng được coi là giải pháp
Ủy ban ATGT quốc gia đã từng tổ chức Hội thảo khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, đề án hạn chế xe máy tại Hà Nội là đề án đúng đắn, tham gia giao thông không nhất thiết phải đi xe máy trong từng chuyến đi.
Còn ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNH MTV Đường sắt Hà Nội khẳng định: “Giao thông ở Hà Nội không có đường dành cho xe đạp nên phải cân nhắc sử dụng xe đạp vào thời điểm nào, sử dụng ở đâu, nếu sử dụng ồ ạt sẽ dẫn tới ùn tắc hơn. Chỉ nên khuyến khích đi xe đạp nhằm chuyển đổi phương thức đi lại để không làm phát sinh thêm chuyến đi không cần thiết”.
Thậm chí trước đó, Hà Nội có hẳn một đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Mục tiêu của đề án đưa ra giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn nhiên liệu để hướng tới Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Đáng tiếc sau một vài năm, đề án này “đắp chiếu” vì không có người đi.
Lý giải về sự thất bại này, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mô hình xe đạp công cộng đang rất được ưa chuộng và được ứng dụng một cách rất có hiệu quả điển hình như ở Pháp. Để gia tăng số lượng xe đạp công cộng, Chính phủ Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Đồng thời, đặt tới 55.000 trạm xe đạp tự do ở khắp 42 thành phố; khuyến khích và tạo sự hỗ trợ tối đa nhất cho người dân di chuyển bằng xe đạp, kể cả người già và trẻ em.
“Chỉ có thể khuyến khích người dân bỏ xe máy, ôtô cá nhân để dùng xe đạp khi có bãi đỗ xe, giao dịch tự động, kết nối đồng bộ với xe buýt, đường sắt đô thị.
Xe đạp + đường sắt đô thị là sự kết hợp văn minh
Mới đây, vào hồi tháng 7.2021, Trung tâm Môi trường và Phát triển thuộc Đại học Oslo, Na Uy đã tổ chức hội thảo trực tuyến Giao thông đô thị bền vững ở Việt Nam, hai chuyên gia Arve Hansen và Nguyễn Ngọc Bình đã đưa ra những khuyến nghị hết sức đáng chú ý.
“Biến Hà Nội thành một Thủ đô thân thiện với xe đạp là khuyến nghị cuối cùng của chúng tôi. Hơn cả bất cứ loại phương tiện công cộng nào khác, xe đạp luôn đứng đầu trong việc giúp giảm phát thải khí CO2. Hà Nội có một lịch sử lâu đời đáng tự hào về xe đạp trong những năm 1980. Ngày nay, đạp xe vẫn là một môn thể thao được nhiều người yêu thích, nhất là khi đại dịch đã khiến cho các hình thức giải trí và thể dục khác trở nên bất khả thi.
Tất nhiên, để phục hưng xe đạp, cần có sự thay đổi cơ bản về tư duy, đồng thời phải nghiêm túc xem xét vai trò của xe đạp khi thiết kế và quy hoạch thành phố. Bên cạnh đó, cần tái phân bổ và chuyển hướng đầu tư cho cơ sở hạ tầng thân thiện với xe đạp, thay vì thân thiện với ôtô để làm nên những con đường và cơ sở hạ tầng có thể truyền cảm hứng cho người đi xe đạp” - các chuyên gia này bày tỏ.
Hai trở ngại cần nhắc đến là “thói quen” và “thời tiết”. Nếu như thời tiết là yếu tố khó thay đổi (Hà Nội mùa hè nóng, ẩm, mùa đông lạnh giá; TPHCM bất lợi vào mùa mưa) thì thói quen là có thể thay đổi khi người dân thấy rõ lợi ích của mình.
“Sẽ lãng phí sự tiện lợi của metro hay đường sắt trên cao nếu chúng ta tiếp tục lãng quên xe đạp và không tạo ra cơ sở hạ tầng thân thiện với xe đạp - Anh Thạch Long nói - Với công nghệ hiện nay thì việc quản lý và cho thuê xe đạp dễ dàng và rẻ tiền hơn nhiều. Tôi mong sớm thôi cả Hà Nội và TPHCM sẽ là những thành phố của xe đạp khi các phương tiện công cộng được kết nối thì người dân sẽ chủ động dùng phương tiện công cộng, từ bỏ xe cá nhân...
Nguồn: Báo Lao động